Thịt ngoại nhập khẩu hiện đang được bày bán tràn ngập siêu thị Việt. Chưa kể khi EVFTA có hiệu lực, giá thịt lợn, bò, gà nhập khẩu từ EU sẽ rẻ hơn hiện nay nhờ thuế về mức 0% theo lộ trình từ 3 – 7 năm. Điều này trực tiếp đặt các cơ sở chăn nuôi trong nước vào thế cạnh tranh dữ dội hơn về giá với các sản phẩm thịt cùng loại trên thị trường.
Theo Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI), 3 năm qua sản lượng thịt của châu Âu xuất vào Việt Nam tăng 7,5 lần. Đại diện UPEMI cho biết: hiện đã có khoảng 100 doanh nghiệp EU được cấp phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam, riêng Ba Lan có tới 45 doanh nghiệp.
Hồi tháng 8, trao đổi với báo chí, ông Maxim Basov, Tổng giám đốc của Rusagro – một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất của Nga cũng cho biết tập đoàn này có khả năng bắt đầu bán thịt heo cho Việt Nam từ năm 2017. Tuy nhiên, ông không nêu rõ khối lượng hàng xuất khẩu.
Mới đây, ngày 5.12, Hiệp hội liên ngành Gia súc và Thịt quốc gia của Pháp (INTERBEV) tổ chức chuỗi sự kiện giới thiệu “Thịt bò Pháp ở Việt Nam” với sự tham dự của nhiều DN chế biến và xuất khẩu thịt bò của nước này. Kể từ năm 2015, thịt bò Pháp đã trở lại thị trường Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các công ty của Pháp đã xuất khẩu 100 tấn thịt bò đông lạnh và 270 tấn nội tạng bò sang Việt Nam. Thịt được sản xuất theo phương thức hiện đại, tuân thủ các quy định về chăn nuôi và thân thiện với môi trường. Khả năng truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn được thực hiện nghiêm ngặt bởi các nhà sản xuất lẫn cơ quan chức năng. Đây là những ưu điểm của thịt ngoại khi cạnh tranh với thịt nội.
Theo khảo sát của PV Báo Lao Động tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội như: Big C Thăng Long (Cầu Giấy), Fivimart (Nam Từ Liêm), Metro Thăng Long (Nam Từ Liêm), Vinmart (Cầu Giấy)… nhiều loại thịt bò, gà, cừu… nhập khẩu được bày bán và có sự cạnh tranh về giá.
Cụ thể, tại siêu thị Fivimart, thịt bò Úc bán với giá thấp hơn thịt bò Mỹ và cao hơn thịt bò nội 2-5%. Cụ thể, gầu bò Úc giá 322.000 đồng/kg, ba chỉ bò Úc giá 402.000 đồng/kg, bắp bò Úc giá 447.600 đồng/kg, nạc vai bò Úc 434.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt bò trong nước có giá rẻ hơn, cụ thể: thăn bò được niêm yết với giá 309.000 đồng/kg, bắp bò 299.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại một số siêu thị khác, giá thịt bò Mỹ cũng cao hơn khoảng 100.000 đồng/kg so với thịt trong nước. Cụ thể: ba chỉ bò Mỹ 229.900 đồng/kg, gầu bò mỹ là 309.900 đồng/kg, nạc vai bò Mỹ cắt lát 378.900 đồng/kg; sườn non bò Mỹ có xương cắt lát 479.900 đồng/kg; dẻ sườn bò Mỹ 339.900 đồng/kg. Trong khi đó, sườn cừu Úc có giá 439.900 đồng/kg; đùi cừu Úc không xương cắt 399.900 đồng/kg.
Riêng với mặt hàng thịt gà, giá thịt ngoại lại rẻ hơn thịt nội. Cụ thể, tại siêu thị Big C, đùi gà trống nhập khẩu chỉ có giá 45.000 đồng/kg, đùi gà dai đông lạnh cũng chỉ 39.900 đồng/kg trong khi đùi tỏi gà Việt Nam lên tới 77.900 đồng/kg. Tại siêu thị Vinmart, đùi gà góc tư nhập khẩu Mỹ có giá 48.900 đồng/kg (rẻ hơn 2 lần so với đùi gà chặt miếng nội 112.900 đồng/kg, còn đùi rút xương là 130.900 đồng/kg); cánh gà nhập khẩu của Brazil là 86.900 đồng/kg, cánh gà nội 93.000 đồng/kg. Mức giá gà nhập cũng rẻ hơn nhiều so với gà công nghiệp trong nước. Đùi góc tư của CP tại Fivimart cũng chỉ có giá 57.000 đồng/kg, gà ta nguyên con của CP cũng chỉ 92.000 đồng/kg. Đáng chú ý, gà nguyên con Hàn Quốc có mức giá “siêu bèo” chỉ 59.900 đồng/kg; trong khi gà ta nguyên con là 142.900 đồng/kg, gà H’mong thì có giá nhỉnh hơn là 182.900 đồng/kg.
Trong một diễn biến liên quan, theo TTXVN, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới thịt bò nhập khẩu có dấu hiệu bùng phát trở lại. Ngày 22.12, Mỹ đe dọa sẽ áp đặt lại các khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU nhằm đáp trả việc EU tiếp tục duy trì lệnh cấm nhập khẩu thịt bò được nuôi bằng thức ăn có chứa hormone tăng trưởng hàm lượng cao của Mỹ.
Tác giả: L.K
Nguồn tin: Báo Lao Động