Tại thời điểm này, khi giá lợn xuất ở mức 39 - 40 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi cho biết đã ở ngưỡng hòa vốn nếu không nuôi khéo. Đại diện một số HTX DVNN còn dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá thịt lợn sẽ còn tiếp tục giảm.
Người nuôi gặp khó
Từ lâu, huyện Bảo Thắng được xác định là vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh Lào Cai. Huyện Bảo Thắng đã và đang gây dựng thành công phong trào chăn nuôi tập trung phát triển cả về quy mô, số lượng và thành vùng SX hàng hóa. Điển hình như các xã Xuân Quang, Sơn Hải, Sơn Hà, Xuân Giao và ngay tại thị trấn Phố Lu.
Đến nay, Bảo Thắng đã có 29 trang trại được cấp Giấy chứng nhận theo tiêu chí NTM. Trong đó, có 27 trang trại chăn nuôi tập trung. Các mô hình kinh tế trang trại là nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình từ 200 - 500 triệu đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Tài Tú, chủ trang trại chăn nuôi xã Tiến Cường (huyện Bảo Thắng), thành viên HTX DVNN Quý Hiền cho biết, hiện đang chăn nuôi lợn với quy mô 8 trại khép kín, mỗi năm xuất chuồng hơn 200 tấn lợn thịt, doanh thu nếu cộng cả chăn nuôi gà thì đạt khoảng 10 tỷ đồng. Theo anh Tú, do là thành viên HTX nên đầu ra của sản phẩm được bao tiêu. Tuy nhiên, thời gian qua giá lợn có phần đi xuống cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của gia đình.
Ông Lê Mạnh Quý, GĐ HTX Quý Hiền, đồng thời cũng là hộ đang chăn nuôi khoảng 460 lợn nái, 3.000 lợn thịt cho biết, ngay từ khi thành lập, HTX đã định hướng đầu ra cho sản phẩm chủ yếu là xuất nội địa.
Hiện tại, giá lợn xuất đi dao động ở mức 39 - 40 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Quý, mặc dù vậy giá thịt lợn tại địa phương vẫn bị tác động không nhỏ từ việc xuất khẩu lợn sang Trung Quốc.
“Việc giá lợn xuất khẩu sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến những bạn hàng nội địa của chúng tôi. Nếu như phía Trung Quốc hạn chế thu mua, giá lợn dưới xuôi xuống tầm 35 - 36 nghìn đồng/kg thì sẽ gây ra khó khăn cho người chăn nuôi tại đây”.
Cũng theo ông Quý, vào dịp cao điểm như tháng 5,6, mỗi ngày, HTX này xuất bán khoảng 1.000 con lợn. Dịp cuối năm, từ nay đến Tết, dự kiến mỗi ngày sẽ xuất đi từ 300 - 400 con.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Quý dự đoán, tới cận Tết, giá lợn xuất bán sẽ rơi xuống 33 - 34 nghìn đồng/kg. Khi đó, người chăn nuôi chắc chắn sẽ bị thua lỗ. Nhưng ông Quý cho rằng, đã là chăn nuôi thì phải chấp nhận có lúc này, lúc khác, không thắng mãi được.
Ông Quý chia sẻ, khi mức giá chạm mức 38 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi giỏi sẽ hòa vốn, người ít kinh nghiệm sẽ lỗ.
Đơn vị thứ hai chúng tôi về thăm là HTX Quyết Thắng, xã Vạn Hòa, TP. Lào Cai. Đây là HTX có quy mô ở mức trung bình với 10 thành viên, được thành lập từ năm 2003. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 4 hộ tham gia chăn nuôi lợn với quy mô trang trại.
Ông Bùi Xuân Nam, xã viên, thôn Cánh Chín cho biết, hiện chuyển sang chăn nuôi lợn thịt quy mô trang trại 3 năm nay. Trong chuồng của gia đình hiện có 20 lợn nái và hơn 100 lợn thịt.
Mặc dù chăn nuôi quy mô trang trại nhưng ông Nam vẫn áp dụng một phần phương thức chăn nuôi truyền thống. Do nhà nấu rượu, ông tận dụng bã rượu, đồng thời đi mua ngô về nghiền, phối trộn làm thức ăn cho lợn bên cạnh cám công nghiệp.
Mỗi năm, trang trại của ông Nam xuất bán khoảng 15 tấn lợn. “Đầu năm giá lợn còn được 52 - 53, nay chỉ còn 39 nghìn đồng/kg thôi. Gia đình tôi trước giờ chỉ xuất bán trong tỉnh cho các thương lái, lò mổ. Nhìn chung giá lợn xuất khẩu giảm thì chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nhưng chưa nhiều”, ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, nếu biết cách, sử dụng thức ăn hợp lý, giá lợn có xuống chút nữa, người chăn nuôi vẫn sẽ có lãi. Ngược lại, nếu phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp, với giá bán như hiện nay thì đã bắt đầu chạm ngưỡng hòa vốn. Với tình hình hiện nay, ông Nam chia sẻ, năm 2017, gia đình sẽ tập trung cho đàn lợn nái, mở rộng chuồng trại. Nếu như giá lợn nhích lên, sẽ đẩy mạnh lợn thịt, ngược lại thì sẽ chuyển sang bán lợn con. Vì thông thường, lợn con thường dễ xuất hơn.
Anh Trần Văn Huấn, cùng HTX Quyết Thắng thì cho biết, mỗi năm xuất bán khoảng trên 10 tấn lợn thịt ra thị trường. Đầu ra của gia đình anh cũng chủ yếu là thị trường trong tỉnh. Anh Huấn chia sẻ, phải lựa thị trường rồi mới áp dụng cách nuôi. Thực tế, nếu sử dụng cám viên hoàn toàn, nuôi khéo thì hòa vốn còn không vẫn sẽ thua lỗ.
Trao đổi với PV NNVN, ông Hoàng Chính Phương, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai (Cục Thú y - Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện tại UBND tỉnh Lào Cai đã văn bản cấm xuất nhập khẩu lợn sống qua địa phương này. Qua kiểm tra và thông tin nắm bắt từ lực lượng Biên phòng, Hải quan thì tại tất cả lối mở giáp biên không còn việc xuất khẩu lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc. Còn việc lợn từ các tỉnh đưa về cũng chỉ là xuất bán nội địa Lào Cai, việc này thì luôn được Nhà nước khuyến khích.
Ngày 28/11, UBND tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định số 5820 về việc buôn bán lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo đó, trước mắt không cho phép xuất khẩu mặt hàng thịt lợn sống qua địa bàn tỉnh Lào Cai để hạn chế thiệt hại cho thương nhân do phía Trung Quốc ngăn chặn nhập khẩu lợn qua các cửa khẩu phụ, lối mở.
Tác giả: Kế Toại
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp Việt Nam